Sáng 12-9 (tức ngày 10-8 Âm lịch), tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân), Tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ giỗ nhân 204 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2024).
Dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều, Văn phòng Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh cùng đại diện dòng họ Nguyễn Tiên Điền và đông dảo du khách.
Tại buổi lễ, trong không khí trang nghiêm, các đại biểu và người dân, du khách đã thành kính dâng hương, dâng hoa bày tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân những công lao và đóng góp to lớn của Đại thi hào Nguyễn Du đối với dân tộc cũng như nền Văn học Việt Nam và sự phát triển văn hóa của nhân loại... Đồng thời, bày tỏ quyết tâm của hậu thế sẽ gìn giữ, phát huy các di sản quý báu của Đại thi hào Nguyễn Du để lại, từ đó tiếp tục lan tỏa những giá trị Việt, tâm hồn Việt cho hôm nay và muôn đời sau.
Cũng nhân dịp này, tỉnh Hà Tĩnh đã công bố quyết định công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Nguyễn Du là điểm du lịch cấp tỉnh và khai mạc trưng bày chuyên đề “Đại thi hào Nguyễn Du qua tư liệu mộc bản triều Nguyễn”.
Năm 2024 là một năm có những mốc dấu đặc biệt của Đại thi hào.
Thứ nhất: Tròn 100 năm lễ giỗ của Đại thi hào Nguyễn Du được tổ chức ở cấp quốc gia. Đó là vào ngày mồng 8 tháng 9 năm 1924 (10/8 năm Giáp Tý), cách đây 100 năm, Ban Văn học Hội Khai trí Tiến Đức đã tổ chức lễ giỗ lần thứ 104 của Đại thi hào Nguyễn Du với sự tham gia của nhiều học giả, nhân sĩ, trí thức nổi tiếng cả nước. Tại lễ giỗ này, học giả Phạm Quỳnh đã có một bài diễn thuyết “vô tiền khoáng hậu" về Nguyễn Du với câu nói bất hủ: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.
Thứ hai, tròn 200 năm hài cốt Đại thi hào Nguyễn Du được đưa từ Huế về an táng tại quê nhà. Nguyễn Du mất năm 1820 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, thọ 56 tuổi. Thi hài ông ban đầu được an táng tại cánh đồng Bàu Đá, xã An Ninh (nay là An Hòa), huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bốn năm sau, vào năm 1824, cách nay 200 năm, con trai Nguyễn Du là Nguyễn Ngũ vào kinh thành Huế xin đưa hài cốt cha về an táng xứ Đồng Mái, sau dời về Đồng Thánh rồi cuối cùng ở cánh Đồng Cùng, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh như hiện nay.