Đây là Hội thảo khoa học do Quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều tổ chức. Có thể nói rằng rất hiếm có một hội thảo đề tài ở một tỉnh nhỏ mà có “mật độ” các nhà khoa học dày đặc như hội thảo này.
Trong một không gian nhỏ bé mà có rất nhiều gương mặt khả kính trong giới giới học thuật, văn học cả nước như: GS.TS.Thiền sư Lê Mạnh Thát, GS.TS. Trần Nho Thìn (Đại học Quốc gia HN), GS.TS. Phan Thị Thu Hiền (Đại học KHXHNV TP. HCM), GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp (Nguyên Viện trưởng viện Ngôn ngữ), GS.TS. Hồ Trọng Ngũ (Viện trưởng viện nghiên cứu Văn hoá), PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học), TS. Nguyễn Đức Mậu (Viện Văn học), TS. Nguyên An (Hội Kiều học Việt Nam), TS. Bùi Đại Dũng (Đại học Quốc gia HN), Nhà thơ Vương Trọng, Hoà thượng Thích tâm Hiệp, Nhà nghiên cứu, xuất bản Truyện Kiều, Lịch Kiều Dương Trung Dũng…Đặc biệt là sự góp mặt của TS. Trương Hồng Quang, một nhà nghiên cứu văn học đồng thời là một dịch giả nổi tiếng từ Cộng hoà Liên bang Đức đã về dự và tham luận với hội thảo.
Hội thảo còn được T.S. Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ, Th.S Lê Ngọc Châu, P.Chủ tịch UBND tỉnh và rất nhiều lãnh đạo các ngành, các nhà nghiên cứu tại Hà Tĩnh đến tham dự.
Hội thảo có hàm lượng học thuật rất đáng ghi nhận, suốt 4 giờ liên tục từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa không nghỉ giải lao mà khách mời không ai về, chăm chú lắng nghe các diễn giả đến phút cuối cùng. TS. Trương Hồng Quang tâm sự với tôi rằng “đã dự một vài Hội thảo trong nước nhưng phải thừa nhận rằng đây là một hội thảo mà người nghe rất văn hoá”.
Lẽ ra Hội thảo này đã diễn ra vào ngày 12/9/2024, vào dịp giỗ lần thứ 204 của cụ Nguyễn Du để kết hợp kỷ niệm 2 dấu mốc cực kỳ quan trọng:
- Thứ nhất: Kỷ niệm tròn 100 năm lễ giỗ của Đại thi hào Nguyễn Du được tổ chức ở cấp quốc gia. Đó là vào ngày mồng 8 tháng 9 năm 1924 (10/8 năm Giáp Tý), cách đây 100 năm, Ban Văn học Hội Khai trí Tiến Đức đã tổ chức lễ giỗ lần thứ 104 của Đại thi hào Nguyễn Du với sự tham gia của nhiều học giả, nhân sĩ, trí thức nổi tiếng cả nước. Tại lễ giỗ này, học giả Phạm Quỳnh đã có một bài diễn thuyết “vô tiền khoáng hậu" về Nguyễn Du với câu nói bất hủ: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.
- Thứ hai: Kỷ niệm tròn 200 năm hài cốt Đại thi hào Nguyễn Du được đưa từ Huế về an táng tại quê nhà. Nguyễn Du mất năm 1820 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, thọ 56 tuổi. Thi hài ông ban đầu được an táng tại cánh đồng Bàu Đá, xã An Ninh (nay là An Hòa), huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bốn năm sau đó, vào năm 1824, cách nay 200 năm, con trai Nguyễn Du là Nguyễn Ngũ vào kinh thành Huế xin đưa hài cốt cha về an táng xứ Đồng Mái, sau dời về Đồng Thánh rồi cuối cùng ở cánh Đồng Cùng, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh như hiện nay.
Tuy vậy vì những lý do bất khả kháng nên đến hôm nay mới tổ chức được Hội thảo. Nhưng muộn cũng có cái hay. Hội thảo tổ chức vào dịp giỗ lần thứ 166 của cụ Nguyễn Công Trứ và dịp chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh và đón nhận Bằng vinh danh danh nhân văn hoá thế giới của UNESCO công nhận cụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thế là đoàn các học giả từ Hà Nội về và từ TP HCM ra nhập làm một đi thăm viếng cả cụ Nguyễn Du, cụ Nguyễn Công Trứ và cụ Lê Hữu Trác. Hai cụ Nguyễn Du và Lê Hữu Trác đã được UNESCO vinh danh, còn cụ Nguyễn Công Trứ tỉnh sẽ xây dựng hồ sơ để trình UNESCO vinh danh vào năm 2028.