Sáng 26/9/2020, tại Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, UBND tỉnhHà Tĩnh phối hợp với Hội Kiều học Việt Nam, Hội đồng gia tộc họ Nguyễn - Tiên Điền tổ chức Lễ giỗ lần thứ 200 của Đại thi hào Nguyễn Du (10/8 Canh Thân(1920) - 10/8 Canh Tý (2020).
Các đại biểu dâng hương trước mộ Nguyễn Du.
Dự lễ có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh, Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Giáo sư Phong Lê - Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam; đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Đại sứ quán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo Quân khu 4 cùng đông đảo nhà văn, nhà thơ trong cả nước.
Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; cấp ủy, chính quyền huyện Nghi Xuân và đông đảo con cháu dòng họ Nguyễn - Tiên Điền.
Như vậy trong 200 năm qua, Lễ giỗ Đại thi hào Nguyễn Du đã diễn ra 3 lần vượt lên quy mô dòng họ, mang tầm Quốc gia.
Lần thứ nhất, vào 10/8 năm Giáp Tý (8-9-1924), do Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức nhân lễ giỗ lần thứ 104 của Đại thi hào Nguyễn Du tại trụ sở của Hội tại 16 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Hội gửi hơn một nghìn giấy mời đến khắp cả hội viên; còn thông báo cho nhân dân biết. Tối hôm ấy, tám giờ, cửa hội mới mở được vài phút, đã có đến hơn hai nghìn người vào chật khắp trong sân, ngoài vườn, dưới nhà, trên gác, đâu đâu cũng chật ních những người. Hội viên các tỉnh về dự cũng đông. Các bà, các cô trong thành phố Hà Nội đến cũng nhiều. Hội viên là người Pháp và các bà vợ ước chừng ba bốn chục người. Có cả mấy bà giáo mới ở Pháp sang, cứ khẩn khoản xin được dự để tận mắt thấy “người An Nam tôn trọng một bậc danh sĩ trong nước thế nào”.
Trên bệ cao cuối vườn, có đặt cái kỷ, bày một lư đồng lớn. Bên trên là chiếc đèn giấy kiểu “lưỡng long chầu nguyệt”, tựa dáng bức hoành phi, trong có đề mấy chữ nho Tiên Điền Nguyễn Tiên sinh kỷ niệm nhật (Tức: Ngày kỷ niệm Tiên sinh họ Nguyễn Tiên Điền). Hai bên là hai đèn giấy hình đôi câu đối trúc, đề hai câu bằng chữ Nôm:
Trăm năm để tấm lòng, còn nước, còn non, còn truyền cổ lục,
Tấc thành dâng một lễ, nhớ người, nhớ cảnh, nhớ buổi hôm nay.
Có tờ báo hồi ấy đã nhận xét: “Ở Hà Thành ta từ xưa đến nay, có lẽ chỉ có tiệc trà đón quan toàn quyền Sarraut diễn thuyết ở Văn Miếu năm 1919 là họp được đông người đến thế”.(1)
Trong buổi lễ, Phạm Quỳnh đọc hai bài diễn văn. Một tiếng ta, một tiếng Pháp. Rồi Trần Trọng Kim “diễn thuyết về lịch sử Cụ Tiên Điền và văn chương Truyện Kiều”. Kế đó là phần biểu diễn của kép Thịnh và đào Tuất, thuộc rạp Sán Nhiên Đài, nổi tiếng đương thời là người kể Truyện Kiều hay. Cuối cùng là một cô đào đứng hát Bài ca kỷ niệm do Nguyễn Đôn Phục soạn. (2)
Lần giỗ thứ hai do Hội Kiều học Việt Nam phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức vào ngày 10/8 Bính Thân (10.9.2016), nhân lễ giỗ lần thứ 196 của Đại thi hào Nguyễn Du, nhằm hướng tới kỷ niệm 200 năm mất của Đại thi hào vào năm 2020. Đây là sáng kiến do Hội Kiều học Việt Nam đề xuất và được tỉnh Hà Tỉnh đồng thuận ủng hộ.
Lễ giỗ được tổ chức tại nhà thờ trong Khu lưu niệm Nguyễn Du với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Hội Kiều học Việt Nam, các học giả, văn nghệ sỹ và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. Lễ giỗ diễn ra trong bầu không khí thiêng liêng, thành kính theo đúng phong tục truyền thống văn hóa Việt Nam với bài văn tế Đại thi hào do nhà thơ Hoài Yên soạn và nhà giáo Vũ Ngọc Khôi phụng đọc. Không gian Nghi Xuân tuyệt đẹp, nắng nhẹ, gió mát, phù hợp với lời văn tế của Hoài Yên:
Mây Hồng Lĩnh khi tan khi hợp/ thiết tha câu hữu cảm tất thông
Nước Lam giang lúc đục lúc trong/ khẩn khoản chữ hữu cầu tất ứng.
Và lần này là giỗ thứ ba, được tổ chức quy mô nhất. Để tưởng niệm 200 năm mất của Đại thi hào Hà Tĩnh đã triển khai một chuỗi các hoạt động từ đầu năm 2019 cho đến cuối tháng 9 năm 2020, với gần chục sự kiện:
- Tổ chức các cuộc thi: “Bạn đọc thuộc Kiều”, “Viết văn tế Nguyễn Du”.
- Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về Đại Thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều”.
- Tổ chức Công diễn Kịch thơ “Hoạn Thư ghen”.
- Tổ chức công chiếu phim tài liệu nghệ thuật “Đại Thi hào Nguyễn Du”
- Tổ chức Trưng bày, triểm lãm Tranh minh họa Truyện Kiều và các di sản văn chương của Nguyễn Du.
- Tổ chức Hội thảo khoa học “Tiếng Việt trong Truyện Kiều”
- Tổ chức Lễ Giỗ lần thứ 200 Đại Thi hào Nguyễn Du tại Tiên Điền vào sáng 26/9/2020
- Tổ chức Kỷ niệm 255 năm ngày sinh, Tưởng niệm 200 năm ngày mất Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du tại Thành phố Hà Tĩnh vào tối 26/9/2020.
Đặc biệt bài văn tế tại lễ giỗ lần này là bài văn tế đạt giải Nhất của cuộc thi “Viết văn tế Nguyễn Du” của nhà văn Kha Tiệm Ly do Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Tuấn phụng đọc đầy ấn tượng.
Giỗ danh nhân văn hóa Nguyễn Du là một biểu hiện biết ơn của hậu sinh, cũng là một ngày thiêng trong tâm linh người Việt vốn coi trọng tình cảm uống nước nhớ nguồn và hơn thế, để tôn vinh một người đã có công lao đưa niền văn học Việt sánh vai cùng với văn chương thế giới./.
T.V.S
--------------
(1), (2) Tạp chí Nam Phong số 86, 1924