Cùng sự trăn trở, thôi thúc của các nhà Kiều học tâm huyết có uy tín, trên hết là nguyện vọng của nhiều tầng lớp nhân dân, với tấm lòng và trách nhiệm, 5 sáng lập viên Hà Văn Thạch, Võ Hồng Hải, Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Hải Nam, Thái Văn Sinh đã triển khai thành lập Quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều.
THÁI VĂN SINH
Sáng 25-9-2020, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, Quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều đã tổ chức Lễ ra mắt.
Đến tham dự buổi lễ, có đồng chí Lê Đình Sơn – UVBCH Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đồng chí Đặng Quốc Vinh- UVBTV TU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt là đến dự buổi lễ này còn có trên 250 đại biểu là đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương; Các viện nghiên cứu, các trường Đại học, cùng các nhà khoa học, văn nghệ sỹ, các tác giả đạt giải 2 cuộc thi: Cuộc thi Viết văn tế Đại thi hào Nguyễn Du và cuộc thi Bạn đọc thuộc Kiều; các hội viên Hội Kiều học Hà Tĩnh được mời dự Hội thảo khoa học “Tiếng Việt trong Truyện Kiều”.
Buổi lễ đã diễn ra trong không khí vui tươi mà long trọng. Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và Đồng chí Đặng Quốc Vinh- UVBTV TU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã các quyết định: Quyết định về việc cấp phép thành lập và công nhận điều lệ Quỹ và Quyết định về việc công nhận Quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng quản lý Quỹ. Các thành viên Hội đồng quản lý quỹ gồm các ông: Hà Văn Thạch, nguyên PCT UBND tỉnh; Võ Hồng Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Hải, Chủ tich Hội nhà báo Hà Tĩnh; Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân; Thái Văn Sinh, Tổng Biên Tập Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh đã lên nhận quyết định và hoa chúc mừng của lãnh đạo tỉnh. Cũng tại buổi lễ Giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam và Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã phát biểu chúc mừng quỹ.
Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Thế giới - Người đã để lại những giá trị di sản văn hóa vô cùng quý giá, đặc biệt là Truyện Kiều - tập đại thành của văn học Việt Nam. Suốt hai trăm năm qua, Truyện Kiều đã làm nên một phần quan trọng của đời sống tâm hồn Việt, một hiện tượng văn hóa độc đáo với những lẩy Kiều, tập Kiều, bói Kiều… làm rung động trái tim bao thế hệ thuộc mọi tầng lớp người trên khắp mọi miền tổ quốc và cả ở nhiều nơi trên thế giới, trở thành niềm tự hào của dân tộc.
Với kiệt tác Truyện Kiều, Đại thi hào Nguyễn Du đã góp phần đưa văn học Việt Nam thành một phần tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng trên thế giới. Hội đồng Hòa bình thế giới đã ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du (1765-1965); Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) chính thức vinh danh Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa thế giới vào dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông (năm 2015).
Từ khi ra đời đến nay, Truyện Kiều là tác phẩm văn học Việt Nam được bàn luận, quảng bá, nghiên cứu nhiều nhất trong nước và kể cả ngoài nước. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa tương xứng với tầm vóc và giá trị của thi phẩm, với yêu cầu gìn giữ, phát huy những giá trị to lớn đó trong đời sống văn hóa và sự phát triển của đất nước; phần nhiều là do hạn hẹp về nguồn phí hoạt động.
Thấy được lẽ này, cùng sự trăn trở, thôi thúc của các nhà Kiều học tâm huyết có uy tín, trên hết là nguyện vọng của nhiều tầng lớp nhân dân, với tấm lòng và trách nhiệm, 5 sáng lập viên Hà Văn Thạch, Võ Hồng Hải, Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Hải Nam, Thái Văn Sinh đã triển khai thành lập Quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều. Quỹ hoạt động theo quy định của pháp luật với mục đích huy động nguồn lực tài chính từ xã hội nhằm hỗ trợ, thúc đẩy việc quảng bá, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều được hiệu quả và bền vững .
Bằng sự ra đời của quỹ, chúng tôi tham vọng rằng Quỹ sẽ là nơi gặp gỡ của những tiếng nói đồng cảm, đồng lòng, đồng vọng về việc bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần mà Đại thi hào Nguyễn Du trao gửi lại cho hậu thế.
Bao nhiêu năm nay, chúng ta hằng yêu quý Đại thi hào Nguyễn Du và mong muốn các tác phẩm của ông tiếp tục tỏa sáng, đến được với mọi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Và như vậy, có thể nói sự ra đời của Quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều chính là một trong những gải pháp quan trọng góp phần giúp cho chúng ta thực hiện được ước nguyện đó.
Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du có câu:
Đến bây giờ mới thấy đây,
Mà lòng đã chắc những ngày một hai...
Đâ cũng như là sự xác tín niềm tin với sự phát triển tốt đẹp - bền vững của Quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều tại buổi lễ ra mắt này.