Hội thảo khoa học “Nguyễn Du, Puskin: tương đồng và khác biệt” diễn ra tại Hà Tĩnh vào sáng 27/9/2019. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện tiến tới Kỷ niệm 200 năm ngày mất của Danh nhân văn hoá Thế giới – Đại thi hào Nguyễn Du vào năm 2020 của tỉnh Hà Tĩnh. Đã có 150 đại biểu gồm các lãnh đạo tỉnh Hà Tinh, các nhà khoa học, các hội viên hội Kiều học trong cả nước.
Hội thảo được Hội Kiều học Việt Nam – Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh tổ chức dưới sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm tôn vinh Nguyễn Du - Đại thi hào Việt Nam và Pushkin - Đại thi hào Nga, những người con ưu tú đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển văn học dân tộc của mỗi nước, là “đại diện tinh thần” của dân tộc mình ra thế giới. Thông qua Hội thảo này chúng ta thể hiện lòng ngưỡng mộ, tự hào, biết ơn và kính trọng hai Đại thi hào lừng danh của Việt Nam và nước Nga.
Thật đáng phấn khởi là dù chỉ thông báo trong một thời gian ngắn nhưng Hội thảo của chúng ta đã thu hút được đông đảo các nhà nghiên cứu từ các trường đại học, các viện nghiên cứu trong cả nước tham gia viết tham luận, cũng như tham dự hội thảo. Đó là những gương mặt khả kính về văn học Nga và nghiên cứu Nguyễn Du – Truyện Kiều như: GS. Phong Lê, Dịch giả Hoàng Thúy Toàn, GS. Nguyễn Đình Chú, PGS.TS. Nguyễn Trường Lịch, GS.TS. Phan Thị Thu Hiền, PGS.TS Đào Tuấn Ảnh, PGS.TS Trần Thị Phương Phương, PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, Nhà phê bình, dịch giả Phạm Xuân Nguyên, Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo…Điều đó thể hiện sức hút và tầm ảnh hưởng của hai Đại thi hào cũng như chủ đề của hội thảo đặt ra là rất lớn.
Hội thảo có 28 tham luận, tập trung vào 5 nhóm nội dung chính: Nguyễn Du và Pushkin trong bối cảnh thời đại và hoàn cảnh dân tộc mình; Nguyễn Du và Pushkin viết về đất nước, quê hương, người dân nước mình; Địa vị của hai kiệt tác “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) và “Ép - nhê - ghi - Ô – nhê - ghin” (Pushkin) đối với văn hóa văn học Việt Nam và Nga; Vai trò của Nguyễn Du và Pushkin đối với sự phát triển tiếng Việt và tiếng Nga qua sáng tác của mình; Việc giới thiệu Nguyễn Du ở Nga; Pushkin ở Việt Nam và ảnh hưởng từ hai phía.
Với 5 nhóm nội dung đó, tham luận đã giải quyết khá thấu đáo, toàn diện chủ đề của hội thảo: “Nguyễn Du – Puskin, tương đồng và khác biệt”. Tuy nhiên do hạn chế về mặt kinh phí nên Hội thảo không có điều kiện mời các học giả Nga viết tham luận và tham dự hội thảo. Mặt khác, do thời gian đặt bài ngắn, nội dung Hội thảo lại đi sâu vào chuyên ngành hẹp nên còn thiếu vắng các tham luận của các nhà nghiên cứu ở Hà Tĩnh. Bên cạnh đó một số tham luận chưa thực sự bám sát chủ đề của hội thảo. Đây là những hạn chế bất khả kháng.
Đã có 13 tham luận được trình bày tại hội thảo và nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi. Hội thảo thực sự là một dấu ấn quan trọng trong chuỗi sự kiện tiến tới Kỷ niệm 200 năm ngày mất của Danh nhân văn hoá Thế giới – Đại thi hào Nguyễn Du vào năm 2020.