Tối ngày 26/9, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND - UBND - UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du.
Dự lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN Quốc hội Võ Trọng Việt; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý; Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh.
Về phía tỉnh Hà Tĩnh, có Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng cùng các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, đông đảo bà con Nhân dân.
Lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào dân tộc - Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Du nhằm ghi nhớ công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt xuất sắc của ông đối với nền văn hóa Việt Nam và toàn nhân loại.
Nguyễn Du và Thuý Kiều trong chương trình nghệ thuật _Nguyễn Du - Trăm năm trong cõi_ của đạo diễn Vũ Hải. Ảnh Thái Văn Sinh
Nguyễn Du, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh năm 1765; họ Nguyễn Tiên Điền, Nghi Xuân. Bố là Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm từng giữ chức Tể tướng đầu triều; mẹ là Bà Trần Thị Tần, xuất thân từ dòng họ có truyền thống khoa bảng ở Kinh Bắc.
Truyền thống dòng tộc, sự giao thoa của văn hóa xứ Nghệ - miền quê của những làn điệu dân ca ví, giặm đằm thắm, dung dị, sâu sắc với vùng đất Kinh Bắc mượt mà của dân ca Quan họ và văn hóa bác học kinh kỳ Thăng Long đã sinh thành, nuôi dưỡng Nguyễn Du trở thành một nhân cách lớn, tâm hồn lớn và tài năng vượt thời đại.
Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc Việt Nam, tên tuổi và sự nghiệp của ông, đặc biệt là tác phẩm Truyện Kiều - đỉnh cao của nền văn học trung đại nước nhà đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn của văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế.
Tôn vinh những cống hiến to lớn của Đại thi hào Nguyễn Du đối với văn hóa dân tộc và những giá trị cốt lõi của nhân loại, năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới đã quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du cùng với 8 danh nhân văn hóa trên toàn thế giới. Gần 50 năm sau - năm 2013, Đại Hội đồng UNESCO quyết định vinh danh Đại thi hào NguyễnDu cùng 107 danh nhân văn hóa của nhân loại.
Sau phát biểu của các đồng chí lãnh đạo tỉnh là chương trình nghệ thuật sử thi đặc biệt với chủ đề “Nguyễn Du, trăm năm trong cõi…”.
Hình tượng ông Đùng trong chương trình nghệ thuật “Nguyễn Du - Trăm năm trong cõi” .Ảnh- Thái Văn Sinh
Chương trình có 8 trường đoạn, gồm: Khai từ, Tuổi thơ trong nhung lụa, Trôi giữa dòng đời, Non Hồng tức cảnh, Giao hưởng nhạc vũ - kịch Truyện Kiều, Đối thoại với người trong truyện, Văn tế Nguyễn Du, Ngàn năm hậu thế nhớ Nguyễn Du. Mỗi trường đoạn tái hiện lại một mốc lịch sử từ lúc Nguyễn Du lọt lòng đến những biến cố ông phải trải qua trong cuộc đời./.