Đến một ngày ông bỗng muốn dịch Kiều ra tiếng Anh để trả ơn tiếng mẹ đẻ đã cho ông được làm người và làm nghề và cũng để góp một chút phần đưa kiệt tác văn chương dân tộc ra thế giới. Mắt ông đã lòa nên con cháu phải giúp một cái máy tính để phóng to chữ lên màn hình. Và ngày ngày ông cặm cụi ngồi dịch. Sau hai năm bản dịch 3254 câu Kiều Việt sang 3254 câu Kiều Anh hoàn thành. Và tháng 4 này, bản Kiều tiếng Anh Dương Tường (Kiều in Dương Tường’ version) đã ra mắt bạn đọc.
Nói tới Dương Tường nếu bạn là người thích đọc sách văn chương, nhất lại là văn chương nước ngoài, thì hẳn bạn biết. Ông là một dịch giả nổi tiếng đã chuyển ngữ từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt hơn 50 tác phẩm văn chương lớn của nhân loại ở nhiều nền văn học trên thế giới, ví như Anna Karenina (Lev Tolstoi - Nga), Đi tìm thời gian đã mất(Marcel Proust - Pháp), Đồi gió hú (Emily Bronte - Anh), Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell - Mỹ), Cái trống thiếc (Gunter Grass - Đức), Lolita(Vladimir Nabocov - Nga-Mỹ), Cội rễ (Alex Haley - Mỹ), Bức thư của người đàn bà không quen (Stefan Zweig - Áo), Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami - Nhật Bản)…
Sau bản dịch tiểu thuyết Chết chịu của nhà văn Pháp Céline, ở tuổi 86 ông đã tính nghỉ ngơi. Nhưng với một người suốt đời cặm cụi với trang văn và con chữ như ông thì không thể nào ngồi không được, không thể “ăn gian thời gian sống” như lời ông nói. Ông lại mở sách ra, nhưng lần này là sách tiếng Việt, và ông tìm về kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du để lại được “nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời” (thơ Huy Cận).
Đến một ngày ông bỗng muốn dịch Kiều ra tiếng Anh để trả ơn tiếng mẹ đẻ đã cho ông được làm người và làm nghề và cũng để góp một chút phần đưa kiệt tác văn chương dân tộc ra thế giới. Mắt ông đã lòa nên con cháu phải giúp một cái máy tính để phóng to chữ lên màn hình. Và ngày ngày ông cặm cụi ngồi dịch. Sau hai năm bản dịch 3254 câu Kiều Việt sang 3254 câu Kiều Anh hoàn thành. Và tháng 4 này, bản Kiều tiếng Anh Dương Tường (Kiều in Dương Tường’ version) đã ra mắt bạn đọc.
Trước bản dịch của Dương Tường, theo thống kê chưa đầy đủ về những bản dịch toàn bộ tác phẩm và đã xuất bản, Truyện Kiều đã có hơn 30 bản dịch ra hơn 20 thứ tiếng nước ngoài (Pháp, Trung, Anh, Hungary, Nhật, Đức, Mông Cổ, Tiệp, Nga…). Bản sớm nhất là tiếng Pháp, năm 1884. Riêng về tiếng Anh, theo một nhà nghiên cứu, đã có 17 bản dịch. Trong đó có bốn bản được đánh giá cao là: “The Soul of Poetry inside Kim Van Kieu” (1963, 2010) của Lê Xuân Thủy, The Tale of Kiều (1973, 1983) của Huỳnh Sanh Thông, Kieu, The Tale of a Beautiful and Talented Girl (1994, 2011) của Michaell Counsell, và Kim Van Kieu of Nguyen Du(2004) của Vladislav V. Zhukov. Như vậy bản Kiều tiếng Anh Dương Tường là bản dịch tiếng Anh thứ 18.
Kiều qua trích dẫn của các chính khách Mỹ
Chưa thể đi sâu phân tích bản dịch, bây giờ tôi thử lấy bản Kiều-English Huỳnh Sanh Thông là bản được đánh giá cao nhất làm đối chứng với bản Kiều-English Dương Tường để nêu lên mấy nhận xét bước đầu. Huỳnh Sanh Thông (1926 - 2008) là một giáo sư tại Đại học Yale (Mỹ), bản dịch Kiều của ông ra lần đầu 1973, mười năm sau (1983) được sửa chữa, tái bản. Trong quá trình dịch ông có tham khảo các bản dịch tiếng Pháp tiếng Anh và ý kiến những đồng nghiệp Mỹ cùng trường.
Dương Tường khi dịch không tham khảo bản dịch Kiều tiếng Anh tiếng Pháp nào, một mình dịch trong hai năm. Ông cho biết chỉ trong quá trình dịch có một người Mỹ gửi cho bản dịch của Timothy Allen ông đọc thấy dịch không đạt và càng có thêm tự tin cho bản dịch của mình.
Cả hai bản của Huỳnh Sanh Thông và Dương Tường đều để nguyên chữ “Kiều” như tiếng Việt, đều dịch đúng 3254 câu Việt sang câu Anh.
Trước hết ta hãy xem hai câu mở đầu:
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”
Huỳnh Sanh Thông: “A hundred years - in this life span on earth / talent and destiny are apt to feud”. Dương Tường: “In the one-hundred-year span of a human life, / Destiny implacably sets upon Talent”. Câu của Sanh Thông mang tính khái quát, quy luật đời người hơn. Để dịch chữ “cõi”, cả hai ông, và ông Lê Xuân Thủy nữa, khi dịch câu này đều dùng từ “span” nghĩa đen là “gang tay”, từ đó rộng nghĩa là “khoảng thời gian ngắn ngủi”.
Cổ nhân nói “đời người ngắn chẳng tày gang” (“Our life but a span”). “Cõi người ta” với Sanh Thông là “khoảng đời trên cõi trần” dùng “earth” không mạo từ. Dương Tường thì cho đó là hạn hẹp đời người đúng một trăm năm “one-hundred-year span”.
Bản Huỳnh Sanh Thông đã được hai nhà lãnh đạo Mỹ, Tổng thống Bill Clinton (2000) và Phó tổng thống Joe Binden (2015) sử dụng khi trích dẫn Kiều trong bài phát biểu của mình trước người Việt. Ta hãy đối chiếu những câu Kiều được dùng trong văn bản chính trị này ở hai bản dịch.
Đầu tiên là hai câu 1795-1796 được ông Bill Cliton dùng trong bài phát biểu năm 2000 tại Hà Nội:
“Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”.
Bản dịch Huỳnh Sanh Thông: “Just as the lotus wilts, the mums bloom forth, / Time softens grief, and the winter turns to spring” (“Ngay khi sen héo úa thì cúc nở / Thời gian làm dịu nỗi đau và đông chuyển sang xuân”). Bản dịch Dương Tường: “As seasons go, with lotus wilted, mum start blossoming forth / Sorrow while time away and soon winter ushers spring in (“Theo nhịp mùa đi, với sen tàn, cúc bắt đầu nở / Nỗi buồn theo thời gian trôi và chẳng mấy chốc đông đưa xuân tới”. Sanh Thông chỉ nói “Ngay khi” (“Just as”), còn Dương Tường muốn thơ hơn “Theo nhịp mùa đi” (“As seasons go”).
Còn đây là hai câu 3121-3122 mà ông Joe Binden dùng trong bài phát biểu tại Wasington (2015):
“Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.
Bản dịch Huỳnh Sanh Thông: “Thank heaven we are here today, / To see the sun through parting fog and cloud” (“Nhờ trời hôm nay chúng ta ở đây hôm nay / Để thấy được mặt trời xuyên qua sương mù và mây đang tan ra từng mảng”). Bản dịch Dương Tường: “Heaven blesses us with this day - from our gate, / mist has cleared; high up, clouds are dispelling” (Trời đã ban phúc chúng ta ngày này - từ ngoài cổng ngõ nhà ta / sương đã hửng lên, trên cao mây đang tan ra). Dương Tường theo đúng bản gốc chỉ nói trời quang mây tạnh, còn Sanh Thông thì thêm vào là “thấy mặt trời” (“To see the sun”).
Một tổng thống Mỹ khác là Barak Obama cũng đã dùng Kiều trong bài phát biểu của mình tại Hà Nội (5/2016). Đó là hai câu 355-56:
“Rằng: Trăm năm cũng từ đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi”
Trong văn bản bài nói của ông tổng thống hai câu này được dịch là: “Please take from me this token of trust, so we can embark upon our 100-year journey together” (“Xin nhận lấy từ tôi biểu hiện niềm tin này, như thế chúng ta có thể cùng nhau đi cuộc hành trình trăm năm”).
Bản dịch Huỳnh Sanh Thông: “Henceforth I'm bound to you for life," he said./ "Call these small gifts a token of my love” (“Từ nay tôi đã buộc tôi vào đời em / Xin gọi món quà nhỏ này là biểu hiện tình yêu của tôi”. Bản dịch Dương Tường: “From now on, I’m yours for life, take these small things as a token of my love” (“Từ bây giờ, đời tôi đã là của em / Xin nhận món đồ nhỏ này như là biểu hiện tình yêu của tôi”). Sanh Thông xa xưa (“Henceforth”), Dương Tường gần nay (“From now on”).
So sánh chỉ mấy câu trên đã có thể thấy hai cách dịch của Huỳnh Sanh Thông và Dương Tường là “đại đồng tiểu dị”. Ý chính họ truyền đạt giống nhau, tuy có khi người này dịch sát, người kia dịch thoát. Khác nhau chỉ ở đôi chỗ dùng từ ngữ.
Xin đưa thêm câu nữa để thấy hơn những chỗ gặp nhau của hai bản dịch.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. (Câu 41-42)
Huỳnh Sanh Thông: “Young grass spread all its green to heaven's rim; / some blossoms marked pear branches with white dots”. Dương Tường: “Young grass spread its green carpet as far as the horizon / Pear branches adorned themselves with white blossoms”. Sanh Thông cho hoa điểm cành, Dương Tường cho cành điểm hoa và thêm một tấm thảm xanh (“green carpet”) cho đồng cỏ...
"Giới thiệu Nguyễn Du tới Shakespeare"
Như đã nói, tôi chưa thể đi sâu vào bản Kiều tiếng Anh Dương Tường, chỉ mới nêu mấy nhận xét sơ bộ qua việc đối chứng nó với một bản dịch đã có trước gần nửa thế kỷ ở Mỹ và được đánh giá cao nhất. Nhưng chỉ nội chừng đó đã đáng ghi công cho Dương Tường khi ông dám đặt cho mình một bài thử tột đỉnh (Supreme Test) là giới thiệu Nguyễn Du với Shakespeare (introducing Nguyen Du to Shakespeare - tức là đưa Kiều sang tiếng Anh), nói như nhà báo Nguyễn Công Khuyến trong lời giới thiệu cho sách này.
Bởi ông làm việc này khi tuổi đã cao, mắt đã gần như lòa, tai đã nghễnh ngãng, mà lại làm với Truyện Kiều. Nhưng ông đã vượt qua được thử thách đó một cách ngoạn mục. Giờ đây, Nguyễn Du/Kiều/in Dương Tường’s version đã thành sách với nhiều phụ bản tranh minh họa đẹp của các họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Quân, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Trần Lương, Hà Trí Hiếu, Thanh Bình, Lý Trần Quỳnh Giang, Nguyễn Công Cừ.
Thế là thêm một dịch phẩm Kiều ra thứ tiếng phổ biến toàn thế giới để đưa nàng văn Việt quốc sắc thiên hương đến với nhân loại muôn nơi. Với người trong nước, ai đọc được tiếng Anh có thể đọc để thưởng thức Kiều trong một bộ dạng ngôn ngữ khác. Họ có thể bàn luận, góp ý về cách dịch cho dịch giả. Và điều quan trọng hơn, có thể từ tấm gương của Dương Tường họ sẽ được tiếp thêm cảm hứng và động lực để nguyện làm “con ngựa thồ văn hóa” chở văn chương nước nhà ra nước ngoài bằng những bản dịch trong những thứ tiếng khác nhau.
Tôi đang viết những dòng này thì đọc được trên trang cá nhân của Trưởng khoa Việt Nam học (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM) thông tin có một người từng bỏ ra hàng chục năm để dịch Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm ra tiếng Anh, tiếng Pháp. Người dịch này đã trên 80 tuổi, mang bản dịch tới Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn muốn được giới thiệu với bạn đọc. Trang Facebook này viết thêm: "Không biết có Nhà xuất bản, Công ty sách nào có ý định giới thiệu bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp thứ 14, ra tiếng Anh thứ 17 thì liên hệ để chúng tôi giao bản thảo. Năm nay là năm kỷ niệm 200 năm ngày mất (1820 - 2020) Nguyễn Du, nếu tập sách này ra đời thì sẽ là một đóng góp lớn đối với việc giới thiệu văn hóa nước nhà".
Mong sẽ có nơi nhận xuất bản những bản dịch này. Và các bạn trẻ: Chẳng lẽ cứ để những người già chạy tiếp sức trên con đường dịch thuật văn chương này sao?
PXN